Thanh Hóa – Du lịch địa linh nhân kiệt

Thanh Hóa có diện tích hơn 11.000 km2, lớn thứ 5 cả nước, đường bờ biển dài 102 km với nhiều vùng sinh thái khác nhau. Đây là khu vực phát triển nhiều loại hình du lịch như khám phá, nghỉ dưỡng, tâm linh.

Cầu Hàm Rồng (trái) nổi tiếng tại Thanh Hóa. Ảnh: Lê Hoàng

Mùa đẹp

Thanh Hóa có hai mùa rõ rệt. Mùa nóng bắt đầu từ tháng 5 đến tháng 10, trời nắng gắt, mưa nhiều và thường có bão lũ, nhiệt độ trung bình 38-40 độ C. Mùa lạnh từ tháng 11 đến tháng 4, thường có gió mùa Đông Bắc, ít mưa và hanh khô đầu mùa. Nhiệt độ thấp nhất có thể xuống 2 độ C.

Thời điểm đẹp nhất để du lịch Thanh Hóa là từ tháng 3 đến tháng 8. Mùa hè thích hợp để đến các bãi biển nổi tiếng. Mùa thu, trời mát mẻ, thích hợp cho các chuyến nghỉ dưỡng. Thời điểm này khách du lịch cũng giảm, giá cả dịch vụ ổn định hơn so với cao điểm.

Di chuyển

Thanh Hóa cách Hà Nội khoảng 160 km theo QL1A và cách TP HCM hơn 1.400 km. Du khách có thể đến bằng nhiều phương tiện như tàu hỏa, xe máy, xe khách hoặc máy bay, tùy vị trí xuất phát.

Giá vé tàu hỏa Thống Nhất từ Hà Nội dao động từ 140.000 đến 280.000 đồng một vé tùy hạng ghế và loại tàu. Đây là cách để tiết kiệm chi phí và thưởng ngoạn phong cảnh trên đường.

Các tuyến xe khách từ Hà Nội đến Thanh Hóa có rất nhiều hãng xe khai thác. Du khách có thể mua vé tại bến xe Mỹ Đình hoặc Giáp Bát với giá từ 150.000 đồng đến 200.000 đồng một vé.

Nếu sử dụng ôtô cá nhân từ Hà Nội đến Thanh Hóa, có hai tuyến đường là Quốc lộ 1A Hà Nội – Ninh Bình – Thanh Hóa hoặc cao tốc Pháp Vân – Cầu Giẽ – Ninh Bình – Thanh Hóa. Từ cuối tháng 4/2023, cao tốc Mai Sơn – QL 54 nối hai tỉnh Ninh Bình – Thanh Hóa giúp việc di chuyển từ Hà Nội còn khoảng 2 tiếng.

TP HCM cách Thanh Hóa hơn 1.400 km. Với du khách từ các tỉnh thành phía Nam, máy bay là phương tiện di chuyển thuận tiện nhất, hạ cánh ở sân bay Thọ Xuân. Giá vé khứ hồi của các hãng Vietnam Airlines, Bamboo Airways, Vietjet Air khoảng 2-3 triệu đồng, thời gian bay gần 2 tiếng.

Để di chuyển về trung tâm thành phố, du khách có thể đi taxi, xe chuyên làm dịch vụ đưa đón hoặc xe buýt. Ba hãng taxi lớn nhất là Mai Linh, MeKong và Taxi 36. Ngoài ra, ở Thanh Hóa cũng có xe buýt địa phương.

Lưu trú

Một số khách sạn nằm ở trung tâm TP Thanh Hóa là Mường Thanh Grand Hotel, Melia Vinpearl Thanh Hóa, Phu Hung Hotel, Central Hotel, Phượng Hoàng Hotel… Tại đây có thể dễ dàng di chuyển tới các địa điểm du lịch trong trung tâm thành phố. Giá phòng trung bình từ 600.000 đồng đến hơn 1 triệu đồng một đêm.

Các khách sạn, nhà nghỉ tại một số bãi biển và khu du lịch có giá cao hơn. Tại Sầm Sơn, nếu tìm kiếm một địa chỉ lưu trú gần biển, view đẹp, du khách có thể tham khảo hệ thống khách sạn, resort và biệt thự tư nhân tại FLC, Vạn Chài resort; ở Hải Tiến có Paracel resort, Moonlight Hotel, Hải Tiến resort, Eureka Linh Trường; ở Bãi Đông có Nghi Sơn Eco Island… Giá phòng dao động từ 800.000 đồng đến khoảng 4 triệu đồng một đêm.

Ngoài ra, du khách cũng có thể lựa chọn các nhà nghỉ bình dân ở trung tâm thành phố hoặc các huyện, đầy đủ tiện nghi cơ bản. Giá nhà nghỉ tại Thanh Hóa khoảng 300.000 đồng một đêm trở lên.

Sân golf duy nhất của tỉnh Thanh Hóa.

Chơi đâu

Thanh Hóa có nguồn tài nguyên du lịch phong phú với nhiều danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử, bãi biển, rừng nguyên sinh, hệ thống hang động và núi đá vôi trải rộng khắp các huyện của tỉnh cùng nhiều lễ hội nổi tiếng.

Địa điểm du lịch nổi tiếng xứ Thanh là bãi biển Sầm Sơn. Hàng năm, bãi biển thu hút một lượng lớn khách du lịch, đặc biệt là vào dịp nghỉ lễ 30/4 và mùa hè.

Ngoài ra, Thanh Hóa còn nhiều điểm đến nổi tiếng khác.

Biển Hải Tiến

Nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 15 km về phía đông bắc, Hải Tiến có đường biển dài, bãi cát sạch, cảnh vật vẫn còn hoang sơ nhưng hạ tầng khá hiện đại, dịch vụ tiện nghi, phù hợp với nghỉ dưỡng. Du khách có thể tham gia nhiều hoạt động bên bờ biển, thưởng thức các loại hải sản tươi ngon hoặc trải nghiệm du thuyền, tham quan một số địa điểm như đảo Nẹ, núi Linh Trường, Lạch Hới, Cồn Trường.

Biển Bãi Đông

Bãi Đông là điểm đến thuộc huyện Tĩnh Gia, cách TP Thanh Hóa khoảng 40 km về phía đông nam. Biển ở đây khá lặng, thích hợp để tắm và tham gia các hoạt động vui chơi dưới nước. Bãi Đông sở hữu bờ biển dài, được ôm trọn bởi núi cao, những ghềnh đá, hoang sơ và khung cảnh yên bình, không sầm uất như biển Sầm Sơn hay Hải Tiến. Đây là địa điểm thích hợp để cắm trại qua đêm, ngắm bình minh. Tại Bãi Đông cũng có nhiều bungalow, nhà hàng.

Biển Hải Hòa

Biển Hải Hòa cách thành phố Thanh Hóa khoảng 45 km về phía nam, gần địa phận Nghệ An. Khu du lịch nghỉ dưỡng và bãi biển Hải Hòa yên bình với bãi biển hoang sơ, nước trong, sóng lặng, bãi cát dài. Lúc bình minh, biển Hải Hòa nhộn nhịp ngư dân kéo lưới thu hoạch hải sản. Đây cũng là một địa điểm để du khách thưởng thức các món ăn tươi ngon với giá phải chăng. Có thể nhìn thấy đảo Hòn Mê từ bãi biển này. Tuy nhiên, dịch vụ ở đây chưa phong phú như những nơi khác tại Thanh Hóa.

Vườn quốc gia Bến En

Vườn quốc gia Bến En. Ảnh: Nguyễn Á

Được mệnh danh là “Hạ Long xứ Thanh”, Vườn quốc gia Bến En có nhiều hoạt động để du khách lựa chọn trải nghiệm như chèo thuyền, bơi lội, lặn khám phá đáy sông, cắm trại dã ngoại trên bờ, câu cá, khám phá hang Ngọc với nhiều trầm tích đá vôi, thạch nhũ hay tham quan Viện bảo tàng Bến En với nhiều cổ vật, di tích lịch sử được bảo tồn. Vườn quốc gia Bến En cũng sở hữu hệ sinh thái đa dạng, với 300 loại dược liệu giá trị và nhiều loài động vật quý hiếm như khỉ mắt đỏ, phượng hoàng đất.

Khu bảo tồn thiên nhiên Pù Luông

Pù Luông mùa lúa chín. Ảnh: Tuấn Đào

Là khu bảo tồn thiên nhiên với tổng diện tích hơn 17.500 ha, Pù Luông nằm ở độ cao 1.700 m, thời tiết mát mẻ, không khí trong lành và cảnh quan gần gũi với thiên nhiên. Pù Luông có hai mùa lúa chín là tháng 5 và tháng 10 hằng năm, thu hút nhiều du khách. Tới Pù Luông, du khách có thể chinh phục đỉnh Pù Luông, thăm bản Hiêu nổi tiếng với suối Hiêu, nơi những bộ rễ cây nằm trong lòng suối bị vôi hóa thành đá, khu làng Tôm, bản Đôn, hang Dơi…

Khu di tích lịch sử – văn hóa Hàm Rồng

Nằm cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 3 km, khu di tích lịch sử văn hóa Hàm Rồng có tổng diện tích 560 ha, gồm các danh lam thắng cảnh, di tích lịch sử cách mạng, công trình văn hóa tâm linh như cầu Hàm Rồng, núi Hàm Rồng, Động Tiên Sơn, Động Long Quang, núi Ngọc, núi Cánh Tiên, làng cổ Đông Sơn, Thiền viện Trúc Lâm Hàm Rồng. Ở đây còn có những cảnh quan thiên nhiên kỳ bí với quần thể núi, hang động.

Suối cá thần Cẩm Lương

Khu du lịch sinh thái suối cá thần Cẩm Lương nằm ở phía tây, cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 80 km, ven đường Hồ Chí Minh. Suối cá Thần xuất phát từ mạch nước trong ngọn núi đá vôi Bồ Um thuộc dãy núi Trường Sinh, chỉ dài khoảng 150 m nhưng là nơi sinh sống của hàng nghìn con cá tự nhiên đủ kích thước, màu sắc. Nước suối không bao giờ cạn, mực nước nơi sâu nhất vào mùa mưa từ 50 đến 80 cm, gần như lúc nào cũng trong. Thời điểm đẹp nhất để tham quan suối cá thần Cẩm Lương là từ tháng 4 đến tháng 9 khi mực nước cao nhất, nhìn thấy nhiều cá bơi lội.

Thành nhà Hồ

Thành nhà Hồ. Ảnh: Lê Hoàng

Cách trung tâm TP Thanh Hóa khoảng 45 km, Thành nhà Hồ là kinh đô nước Đại Ngu (quốc hiệu Việt Nam thời nhà Hồ) được xây dựng bởi Hồ Quý Ly từ năm 1397. Du khách có thể chiêm ngưỡng tòa thành đồ sộ, toàn bộ được xây dựng bằng đá khối, trong đó có những phiến nặng tới hơn hai tấn. Thành đá được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới, là một trong rất ít những thành lũy bằng đá còn lại trên thế giới.

Di tích lịch sử Lam Kinh

Khu di tích Lam Kinh thuộc không gian văn hóa Lam Sơn, vùng đất cổ, xuất hiện từ thời Hùng Vương dựng nước. Lam Kinh là cái nôi của nhà Lê, được xây dựng bởi vua Lê Lợi từ năm 1428. Cố đô Lam Kinh nổi tiếng với kiến trúc phong thủy “tọa sơn hướng thủy”, được bao quanh bởi núi Dầu, núi Chúa, núi Hương, cùng dòng sông Ngọc trong veo chảy quanh, các khu vực điện, miếu, lăng mộ, khu vực tản bộ… Lam Kinh là một hệ thống kiến trúc nghệ thuật với lăng mộ, bia ký, đền đài, miếu mạo và nhiều di tích xung quanh. Đây là một trong những công trình được gìn giữ nguyên vẹn nhất, giúp du khách yêu lịch sử hiểu biết thêm về thời đại Hậu Lê của Việt Nam.

Thái miếu nhà Lê

Thái miếu nhà Lê. Ảnh: Lê Hoàng

Nằm cách trung tâm thành phố 2 km, tại phường Đông Vệ, TP Thanh Hóa là Thái miếu nhà Hậu Lê (hay còn gọi là Đền Nhà Lê), nơi thờ cúng 27 vị Hoàng đế thời Lê, Hoàng Thái Hậu cùng các Vương công nhà Hậu Lê, trong đó có hai bậc công thần khai quốc là Nguyễn Trãi và Lê Lai. Thái miếu hiện còn lưu giữ nhiều hiện vật gốc có giá trị.

Thái miếu nhà Hậu Lê vốn được xây dựng tại Lam Kinh (huyện Thọ Xuân), sau được chuyển về Thăng Long với tên gọi là điện Hoằng Đức. Đến năm 1805, vua Gia Long ra lệnh chuyển Thái miếu nhà Hậu Lê về làng Bố Vệ. Ngoài tham quan, tìm hiểu về lịch sử, du khách còn có cơ hội khám phá nghệ thuật kiến trúc cổ, điêu khắc điển hình của thời Hậu Lê.

Đặc sản

Nem chua

Nem chua Thanh Hóa. Ảnh: Vũ Thuận Khuyên
Nem chua là đặc sản nổi tiếng nhất Thanh Hóa, có nhiều loại như dài, vuông, nem cối, nem thính, nem nướng. Nguyên liệu làm nem chua là bì lợn thái chỉ, thịt mông nạc, thính gạo, gói cùng lá đinh lăng hoặc lá ổi bánh tẻ và các gia vị khác. Nem chua thường được chấm cùng tương ớt. Nem có độ giòn của bì lợn, vị chua thanh nhẹ sau khi được lên men, vị cay của ớt tỏi và vị ngọt của thịt.

Chả tôm

Chả tôm đúng kiểu phải nướng trên than hoa. Ảnh: Hương vị xứ Thanh

Chả tôm là món ăn dân dã của xứ Thanh. Nhân chả được làm từ tôm bột tươi giã nhuyễn, thịt ba chỉ băm, hành khô và bánh phở cắt nhỏ, nêm gia vị và dầu gấc để tạo màu. Phần nhân sau khi sơ chế xong được gói bằng bánh phở nhỏ bằng lòng bàn tay, kẹp vào nẹp tre tươi hoặc xếp trên vỉ nướng bằng than hoa.

Chả tôm thường được ăn kèm với dưa góp, rau sống và nước mắm pha loãng. Vị bùi ngọt của nhân tôm cùng vị chua dịu của dưa góp lẫn chút cay cay của ớt tươi và rau sống tạo nên hương vị mới mẻ cho thực khách phương xa.

Bánh khoái tép

Bánh khoái Thanh Hóa được làm từ các nguyên liệu như bột tẻ, rau cần cắt khúc, bắp cải thái sợi, hành hoa và đặc biệt là tép đồng tươi, được chế biến bằng chảo gang lòng sâu. Món bánh này được ăn chung với nước mắm và dưa góp được làm từ đu đủ, cà rốt, sung. Với lớp vỏ bột được tráng mỏng, giòn rụm cùng vị ngọt mát của rau và vị bùi của tép. Bánh khoái tép Thanh Hóa được đánh giá dễ ăn và có thể ăn no mà không bị ngấy.

Bánh cuốn Thanh Hóa

Bánh cuốn Thanh Hóa. Ảnh: Đỗ Trang
Bánh cuốn Thanh Hóa khác bánh cuốn các tỉnh miền Bắc, bởi nhân bánh làm từ tôm sắt biển và hành phi. Người Thanh Hóa thường dùng ống tre to như điếu cày để lấy bánh thay vì thanh tre vót mỏng như ở những nơi khác. Bánh cuốn Thanh Hóa còn có nhiều biến tấu khác, phổ biến nhất là bánh không nhân được cắt thành hình trụ, rắc hành phi ăn nóng cùng nước mắm chan hoặc kèm cháo lươn, được người Thanh Hóa ví như “quẩy” ăn cùng phở Hà Nội. Bánh được ăn kèm với nước mắm địa phương và chả, thêm tiêu sọ, ớt.

Gỏi cá nhệch Nga Sơn

Gỏi cá nhệch là đặc sản của vùng Nga Sơn. Cá nhệch là loại da trơn, mình dài, khỏe và hung dữ, thường sống ở vùng nước lợ. Sau khi làm sạch nhớt, lột bỏ da và lọc xương, phần thịt được bóp với riềng sả. Khi ăn trộn chung với thính gạo.

Linh hồn của món gỏi cá nhệch là chẻo làm từ xương cá đã được giã nhuyễn trộn với thịt ba chỉ, mẻ, trứng gà cùng các loại gia vị và nấu chín. Chẻo thành phẩm sẽ có màu cam đỏ, có độ sánh và hương vị đặc biệt. Cá nhệch khó đánh bắt và công đoạn chế biến cầu kỳ. Người Thanh Hóa thường cuốn lá sung thành hình phễu, cho gỏi nhệch vào, rưới chẻo, thêm hành tím, bánh đa, mắm tôm và thưởng thức.

Bánh răng bừa

Bánh răng bừa. Ảnh: Phạm Cúc

Bánh răng bừa được biết đến là đặc sản tiến vua ở nhiều huyện như Vĩnh Lộc, Thọ Xuân. Bánh được gói bằng lá dong hoặc lá chuối, vỏ làm từ bột gạo tẻ, bọc lấy nhân có thịt vai lợn, mộc nhĩ, hành củ, hạt tiêu. Bánh được làm chín bằng cách luộc hoặc hấp, ăn kèm nước mắm nguyên chất pha chanh, ớt hoặc tiêu bắc. Bánh răng bừa ngon nhất khi ăn nóng. Bóc lớp lá, để lộ ra màu xanh từ lá phai ngấm tự nhiên vào lớp bột vỏ ngoài bánh. Bánh nóng sẽ dậy mùi thơm của hành mỡ, vị ngọt bùi quyện với vị béo ngậy của nhân.

Bánh gai tứ trụ

Nguyên liệu tạo nên hương vị riêng cho bánh chính là lá gai, cùng với bột gạo nếp và mật mía, thành vỏ bánh màu đen đặc trưng. Nhân bánh được làm từ các nguyên liệu chính là đường, đậu xanh, dừa nạo và dầu chuối. Lá chuối dùng để gói bánh gai là lá chuối tiêu khô để già tự nhiên trên cây, có độ dai và mang đến mùi thơm cho bánh. Sự kết hợp từ vị dẻo mềm của gạo nếp, vị bùi thơm của nhân đậu xanh và vị ngọt của mật mía đã tạo nên hương vị đặc trưng cho món bánh này.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *